Mốc phát triển quan trọng của trẻ 2 tuổi


Ngày Đăng: 29/12/2017

Mốc phát triển quan trọng của trẻ 2 tuổi
Trẻ 2 tuổi có những bước phát triển 'vàng' mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua.
Kể từ khi Na bắt đầu chập chững biết đi thì mỗi ngày mới của Na lại mang đến một sự bất ngờ mới cho bố mẹ. Nhưng đôi khi bố mẹ Na vẫn tự hỏi, liệu con phát triển như vậy có nhanh quá hay vẫn chậm hơn các bạn cùng lứa? Cùng giải đáp thắc mắc của mẹ Na và cũng là thắc mắc chung của các bậc làm cha mẹ khác bằng việc tìm hiểu 4 mốc phát triển lớn của trẻ sau đây:
Trẻ biết nói và tập sử dụng ngôn ngữ
Thông thường trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 24 tháng bắt đầu biết nói những câu đơn giản và có thể đối thoại ngắn với người lớn. Tuy nhiên, thời gian này, vốn từ của trẻ thì chưa đủ để diễn đạt hết những hiểu biết của trẻ.
Thách thức đối với bố mẹ:
Khi Na 2 tuổi, bố mẹ Na nhiều lúc chỉ biết nhìn nhau lắc đầu vì không thể hiểu nổi Na đang diễn đạt điều gì. Ngay cả khi con bạn đã biết cách phát âm rõ ràng thì bạn vẫn bị bối rối trước cách sử dụng từ ngữ mà chỉ một mình trẻ hiểu. Ví dụ, có một giai đoạn Na gọi tất cả người lớn là “Mẹ” và cứ nhìn thấy bất cứ loại hoa quả nào thì đều chỉ vào đó và nói “Quả táo của mẹ”.
Không chỉ gặp vấn đề về diễn đạt mà nhiều trẻ còn hiểu sai những gì người lớn nói. Như trường hợp của Tony, bé đã bị khủng hoảng tâm lý sau khi mẹ bé bị sẩy thai, chỉ vì mẹ đã nói với Tony rằng: “Mẹ vừa  mất em bé rồi” khiến Tony lo sợ là: mẹ sẽ mất Tony.
Mốc phát triển quan trọng của trẻ 2 tuổi - 1
2 tuổi, bé sẽ có 'ngôn ngữ riêng' đôi khi chỉ mình bé hiểu. (Ảnh minh họa).
Bố mẹ cần làm gì? Kiên nhẫn là điều cần thiết. Hãy cho trẻ thêm thời gian và đừng kỳ vọng quá nhiều bởi như thế chỉ khiến bạn thêm thất vọng. Đôi khi trẻ thậm chí không buồn nói gì với bạn mà chỉ khóc, đó là lúc trẻ không đủ kiên nhẫn để diễn đạt bằng từ ngữ. Vì thế mà trẻ khóc thì không có nghĩa là “Con đói” hay “Con đau” mà là “Con muốn quả bóng đó, con không thể diễn đạt được và thậm chí chẳng ai hiểu con cả”.
Tạo thật nhiều cơ hội để trẻ nói chuyện. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi trẻ có anh/ chị hơn trẻ vài tuổi, vì như thế trẻ dễ có người đồng cảm và hiểu trẻ hơn. Ba mẹ đừng quá chú trọng vào việc sửa ngữ pháp cho trẻ vì nó dễ khiến trẻ cảm thấy chán mà không muốn nói nữa. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu những gì trẻ muốn và kích thích trẻ thoải mái diễn đạt.
Muốn tự mình làm mọi việc
Khoảng 18 tháng tuổi, Na bắt đầu đòi cầm chổi quét nhà cùng mẹ. Hầu hết các bé trong độ tuổi này muốn tự mình làm mọi việc, thậm chí còn dành việc của người lớn.
Thách thức đối với bố mẹ:
Bố mẹ Na cảm thấy thật mất thời gian khi thay vì chỉ mất 1 phút giúp con đi giầy thì phải mất 10 phút khi Na yêu cầu “Để con tự đi giầy. Con tự đi giầy”.
Bố mẹ cần làm gì? Bố mẹ Na đã phải điều chỉnh tăng thời gian cho mỗi lịch trình làm việc để tạo điều kiện cho Na tự làm những việc Na muốn. Ban đầu, mẹ Na cảm thấy thiếu kiên nhẫn, nhưng rồi mẹ Na đã tự động viên: “Điều đó là rất tốt, nó sẽ giúp Na độc lập hơn”.
Các chuyên gia cũng đồng ý với suy nghĩ của mẹ Na: Ba mẹ không nên làm thay việc cho con hoặc giúp con giải quyết hậu quả những việc con làm sai. Ba mẹ cần là người hướng dẫn con học cách tự làm mọi việc phù hợp với khả năng.
Mốc phát triển quan trọng của trẻ 2 tuổi - 2
2 tuổi, bé thích khám phá và tự làm mọi việc (Ảnh minh họa).
Trẻ đòi quyền tự quyết
Trước 18 tháng tuổi, hầu hết các em bé không xem mình là một người độc lập mà luôn dính lấy ba mẹ, đặc biệt là mẹ. Nhưng điều này sẽ hoàn toàn thay đổi khi trẻ mới bước vào tuổi thứ hai. Trẻ bắt đầu nói “Không” với ba mẹ như thể để nhấn mạnh với ba mẹ rằng: “Con mới là người quyết định mọi thứ”.
Thách thức đối với bố mẹ
Một khi em bé của bạn bắt đầu hành động ngược lại với ý muốn của bạn thì bạn cảm thấy dường như chỉ có thể: hoặc là bắt con làm theo ý mình hoặc là cứ để trẻ tự làm theo cách trẻ muốn. Nhưng bạn lại thấy mâu thuẫn: bạn không muốn để con mất quyền tự chủ, đồng thời bạn cũng muốn thiết lập những giới hạn với con…
Bố mẹ cần làm gì? Các mẹ có thể đồng ý cho trẻ làm những điều trẻ muốn bất cứ khi nào bạn có thể và khi mẹ chắc chắn rằng điều đó là an toàn, không có gì bất tiện và cũng hợp lý. Ba mẹ hãy cố gắng cân bằng, để mọi việc không hoàn toàn theo cách của ba mẹ hoặc theo ý muốn của con.
Lưu ý là khi yêu cầu con nghe lời thì ba mẹ đừng khiến con hiểu lầm rằng: vì bố mẹ là người lớn thì có quyền bắt con làm theo ý mình, mà hãy giải thích lý do tại sao bố mẹ muốn con làm như vậy (để an toàn, nhanh chóng hay một nguyên nhân nào khác). Lặp lại lời giải thích ngay cả khi trẻ không đồng ý hoặc không hề thích lý do mà bạn đưa ra.
Biết đồng cảm
Khoảng 2 tuổi, trẻ có thể bắt đầu biểu hiện các kết nối đầu tiên giữa cảm xúc với hành vi khi tiếp xúc với người khác. Đây thực sự là một sự thay đổi lớn và khiến cha mẹ xúc động trước những cử chỉ an ủi của con khi cha mẹ đau buồn hay gặp chuyện gì khó khăn.
Thách thức đối với bố mẹ
Đỗi với những người làm cha làm mẹ, không có gì xót xa bằng việc nghe con khóc, đặc biệt là khi biết con đang khóc vì buồn hay đau khổ. Bé Na khi mới 2 tuổi đã khóc nức nở vì thương em khi thấy cô em họ bị ngã. Lúc đó, mẹ Na đã nghĩ rằng, phải thận trọng khi biểu hiện những cảm xúc trước mặt con. Mẹ Na lo rằng, Na sẽ có những suy tư chưa cần có với độ tuổi của con. Nhưng có một sự thật là, các bé rất nhạy cảm, cho dù có cố gắng đến đâu thì những biểu hiện trên khuôn mặt của mẹ đều được bé đọc và hiểu.
Bố mẹ phải làm gì?
Ngay cả khi con bạn buồn vì một ai đó đang khóc hoặc bị tổn thương thì cũng không sao. Thay vì cố gắng làm cho mọi việc tốt hơn thì mẹ hãy giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình.
Đôi khi nước mắt không phải là một điều gì quá tệ. Mẹ đừng vội vàng an ủi con mà hãy cố gắng xác định lý do vì sao con buồn. Nhiều bậc cha mẹ không muốn nhìn thấy con mình khóc, nhưng nếu trẻ khóc vì cảm thấy vừa gây ra lỗi đánh bạn thì hoàn toàn là điều tốt.
Và ba mẹ cũng không cần phải che dấu cảm xúc riêng của mình đâu. Đừng ngần ngại nói với con rằng bạn đang rất tức giận, buồn hay thất vọng. Cần tránh sử dụng những từ ngữ như: “Con đang làm mẹ điên lên đây”, như thế trẻ sẽ không cảm thấy trẻ cần chịu trách nhiệm về những gì đã gây ra cho cha mẹ.
Những thay đổi vô cùng quan trọng của trẻ lên 2 dẫu có khiến cha mẹ phải lo lắng và gặp không ít rắc rối nhưng niềm vui mà con mang lại cho cha mẹ trong thời gian này không phải là nhỏ. Mẹ Na đã tâm sự: “Mỗi khi nhìn vào một thay đổi của con gái là tôi nhận được một món quà. Nó như thể cảm xúc trong hành trình của một chuyến bay, càng đi tôi càng phát hiện thêm những điều thú vị. Niềm vui của tôi lớn hơn nhiều so với những thách thức trong việc tìm cách giáo dục con tốt nhất.”
Hồng Hoa


Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến