TÁO BÓN THAI KỲ


Ngày Đăng: 01/12/2020

Khoảng 50% các bà mẹ khi mang thai bị táo bón. Đa số là táo bón đơn thuần xảy ra do những thay đổi về nội tiết tố và các yếu tố cơ học tác động lên đường tiêu hóa. Môt số ít các mẹ bị táo bón ngay từ đầu thai kỳ và tình trạng tiến triển xấu dần, buộc phải can thiệp y khoa.

Những nguyên nhân thường gặp của táo bón trong thai kỳ:

• Những thay đổi về tâm lý trong thời kỳ mang thai như lo âu, giận dữ.
• Ít hoạt động thể lực.
• Khẩu phần ăn ít chất xơ
• Sự chén ép của tử cung lên đường tiêu hóa.
• Sự tăng tiết của hormone progesterone khi mang thai làm giảm co bóp cơ đường ruột
• Uống bổ sung sắt và canxi.
• Uống không đủ nước.
• Thói quen ít đi đại tiện hoặc không đi khi có tâm trạng lo âu – giận dữ.

Táo bón sẽ tăng dần ở 3 tháng cuối thai kỳ do sự chèn ép của tử cung lên đường ruột và có thể trở thành vấn đề gây khó chịu cho bà mẹ ở giai đoạn này.

Biến chứng của táo bón:

Táo bón kéo dài không được can thiệp đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng:
• Tạo khối trĩ (do sự phình to của các tĩnh mạch vùng trực tràng – hậu môn); khi khối trĩ phát triển lớn sẽ gây đau và gây chảy máu tại chỗ.
• Lệ thuộc vào việc sử dụng các loại thuốc chống táo bón.
• Sa (thoát vị) tử cung hoặc trực tràng; biến chứng này là do sự mệt mỏi và suy yếu các cơ ở vùng này.
• Nứt niêm mạc trực tràng – hậu môn (do đầu phân cứng gây tổn thương niêm mạc) người bệnh sẽ bị đau và chảy máu mỗi lần đi đại tiện.

Phòng ngừa và điều trị táo bón trong thai kỳ:

Thực hiện những lời khuyên sau đây sẽ giúp thai phụ phòng ngừa lẫn điều trị được chứng táo bón trong thai kỳ:
• Sử dụng khẩu phần giàu chất xơ: Lý tưởng là mỗi ngày ăn đủ 25 đến 30g chất xơ từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì làm từ lúa mì đen, gạo – nếp còn lớp cám, sữa có bổ sung chất xơ…
• Tăng lượng nước uống mỗi ngày: Thai phụ cần uống từ 2,5 lít đến 3 lít nước mỗi ngày (bao gồm nước đun sôi để nguội, nước trái cây và sữa có bổ sung chất xơ). Trong điều kiện thời tiết nóng hoặc tăng vận động làm thai phụ ra mồ hôi nhiều thì nên tăng thêm lượng nước uống vào.
• Tập luyện thường xuyên để giảm tối đa nguy cơ bị táo bón: thai phụ có thể đi bộ, bơi lội hoặc tập luyện những môn thể thao có cường độ trung bình, với tần suất ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 20phút.
• Giảm bổ sung sắt: Bổ sung sắt là chỉ định y khoa quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của cả mẹ lẫn bé trong suốt thai kỳ. Thai phụ có thể chia nhỏ liều, uống thành nhiều lần trong ngày, thay vì uống một lần duy nhất hoặc ngừng bổ sung sắt. Cũng có thể giảm liều sắt phối hợp với khẩu phần ăn có thực phẩm giàu sắt và sữa có bổ sung sắt.


Tư vấn bác sĩ kịp thời:

Táo bón hiếm khi trở thành vấn đề trầm trọng trong y khoa, tuy nhiên, thai phụ cần đi khám bác sĩ khi có các biểu hiện sau:
– Đau bụng kéo dài ở mức độ vừa hoặc trầm trọng sau khi đi đại tiện.
– Không đi đại tiện trong 1 tuần.
– Táo bón vẫn còn sau khi đã thực hiện những hướng dẫn ở trên.
– Đau vùng hậu môn – trực tràng kéo dài.
– Phân có máu.
– Sụt cân.


Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến